Lời của gió mưa

Nhìn những người vật lộn trong mưa lũ ở miền Trung, tôi biết cảm giác của họ. Một cảm giác bất lực.

Tôi thấy đau lòng khi nhìn các em nhỏ, phụ nữ, người già co ro trong nước, nhìn những người đã mất đi sinh mạng trong bão lũ ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Tôi biết giờ đây người miền Trung đang trong những ngày rất khó khăn. Trong thâm tâm, là người từng tham gia chiến tranh và chứng kiến đồng đội nằm xuống, tôi hiểu nỗi buồn khi nhìn những người bên cạnh mất đi.

Tôi đã từng đến Hồ Xá ở Quảng Trị trong vài ngày. Dân ở đây làm tôi nhớ đến những người trên đảo ở Canada, Newfoundland, Nova Scotia. Môi trường làm cuộc sống của họ chật vật. Ở đó, người ta sống và làm việc trên biển, trên những hòn đảo hay những tảng đá mà dân địa phương gọi là “rock”. Cuộc sống trên biển rất khắc nghiệt vì gió luôn thổi gắt và lạnh. Thậm chí có rất nhiều người đã từng mất tích, vì Mẹ Thiên nhiên không bao giờ nương tay cho những ai không tôn trọng bà. Ở Hồ Xá, người dân khá nghèo và sống dựa chủ yếu vào thiên nhiên. Khi tôi tới, có người nói, hãy yêu đời khi bạn có thể vì cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Bây giờ họ còn khó khăn hơn vì phải chống chọi với bão lũ, núi lở, mất điện, thiếu nước sạch và thức ăn.

Lúc còn nhỏ, bố nói với tôi “bão giải phóng năng lượng của hàng nghìn quả bom hạt nhân”. “Vậy tại sao cơn bão không thổi bay tất cả chúng ta ra khỏi trái đất?”, tôi hỏi. Bố giải thích, vì năng lượng đó có thể được phân tán lan tỏa trên một khu vực rất rộng lớn, không dồn tụ lại như bom. Con người nếu biết cách có thể phân tán bớt năng lượng của thiên tai, giảm được sức công phá của thiên nhiên nhờ trồng cây, cách sắp xếp nhà cửa, đường xá, tổ chức cuộc sống của các làng mạc.

Tôi trải qua trận động đất đầu tiên khi sống ở Nhật Bản nhiều năm trước. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều đó, và nó khá lạ. Tôi cảm thấy nó lan ra bên trong cơ thể mình nhiều hơn là trên mặt đất, và đó là những rung động từ sàn nhà, lan đến chân tôi. Người Nhật tất nhiên không lạ gì với hằng hà các loại thiên tai ghé thăm hòn đảo của họ trong hàng nghìn năm. Bất chấp những khó khăn và đau khổ mà người Nhật nhận được từ Mẹ Thiên nhiên, họ vẫn yêu quý, tôn trọng và sống hài hòa với “bà” hết mức có thể. Họ thậm chí xây dựng “bà” thành thần thoại, trở thành văn hóa đại chúng của họ. Tôn giáo chính của Nhật Bản là Thần đạo. “Các vị thần Shinto” được gọi là Kami là những linh hồn thiêng liêng đại diện cho gió, mưa, núi, cây, sông và phù sa. Trên khắp Nhật Bản có vô vàn những tác phẩm nghệ thuật Thần đạo liên quan đến thiên nhiên dưới dạng kiến trúc đền thờ, tượng và vườn.

Khi chuyển đến Việt Nam, tôi đã may mắn tìm được ngôi nhà thiết kế bởi một kiến trúc sư người Nhật ở Quận 7, TP HCM có khu vườn hoang dã. Tôi để cây cối tự do mọc khắp tường rào phía trước. Một bác xe ôm đã nói với tôi khi chở tôi về, rằng ngôi nhà này trông thật tồi tệ, toàn cỏ hoang và dây leo. “Tôi thích sự hoang dã này”, tôi nghĩ trong đầu nhưng không nói gì cả. Ông không phát hiện ra nét đẹp của nó. Cây cối và dây leo biết hướng về phía “nhà”, che chắn cho tôi. Nhiều người chưa biết rằng thực vật quyết định cách chúng phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các loại đậu vừa mọc vừa “nhìn” xung quanh và đưa ra quyết định hướng về chỗ tốt nhất.

Loài người cũng vậy, chúng ta chỉ tồn tại tốt nhất nếu biết sống cộng sinh hài hòa với thiên nhiên. Thử hình dung mặt đất này, nếu không có thực vật, tất cả chúng ta sẽ đứng trên hoang mạc.

Tại sao chúng ta cần nhiều cây hơn? Mẹ Thiên nhiên, với những cơn bão có sức mạnh của hàng nghìn trái bom, sẽ thổi bay ta nếu ta cứng đầu. Thay vào đó, hãy đi theo dòng chảy: trồng cây, trồng cây và trồng cây để giữ đất, giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, ngăn bớt gió mưa. Để cả một phần quả núi không còn sụp xuống đầu con người như vậy, cách duy nhất để gắn đất với núi là nhờ cây. Chỉ có cây xanh mới là giải pháp tốt nhất vì rễ cây bám chặt vào đất, ngăn đất trượt xuống đồi. Cây càng to, rễ bám càng sâu, như những sợi chỉ “khâu” các tầng đất vào quả núi. Chưa kể, cây xanh lọc khí độc, điều hòa nhiệt độ…

Tôi nhớ về quê hương Canada, mọi thành phố đều phủ kín cây xanh. Bạn có thể xuyên qua lòng Ottawa, Alberta và nhiều thành phố khác chỉ bằng cách đi dạo qua một khu rừng. Nhìn TP HCM, hầu như không có công viên, hiếm có cây xanh, mặt nước, tôi tự hỏi Mẹ Thiên nhiên phải nghĩ gì? Tôi đọc nhiều bài báo cho biết, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam đã mất đi rất nhanh và rất nhiều trong vòng 20 năm qua. Người Việt Nam luôn bảo vệ, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt khi có khủng hoảng, như với Covid-19 vừa qua. Còn bây giờ, giữa cơn giận của Mẹ Thiên nhiên, ta có lẽ phải hành động ngay rồi. Trong các cách để biến tương lai trở nên dễ dàng hơn, một cách hữu hiệu là mỗi người hãy trồng xuống những cái cây.

Tôi vừa thấy Thủ tướng phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội hôm qua, 20/10, rằng “Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép” gồm phòng chống dịch bệnh hiệu quả và nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Tôi nghĩ, người đứng đầu ở cuộc họp Quốc hội và các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể bổ sung vào mục tiêu kép là “phục hồi rừng”.

Khi nước lũ chôn vùi những ngôi làng, các “khu rừng bê tông”, sẽ không ai có thể nói rằng dưới mặt nước là một thành phố xinh đẹp đã tìm ra cách để sống với thiên nhiên.

 

Nguồn: copy

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn